QUY TRÌNH KỸ THUẬT XỬ LÝ VẬT LIỆU, BAO BÌ ĐÓNG GÓI BẰNG GỖ TRONG THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ
BẰNG METHYL BROMIDE
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1.1 Mục đích và đối tượng xử lý
- Tài liệu qui định các bước cần thực hiện trong quá trình xử lý vật liệu, bao bì đóng gói bằng gỗ trong Thương mại Quốc tế bằng Methyl Bromide
- Quy định mức giới hạn của các biện pháp xử lý đối với vật liệu đóng gói bằng gỗ (bao gồm cả đồ chèn lót) trong thương mại quốc tế.
- Tài liệu này không áp dụng cho các loại gỗ hoặc sản phẩm bằng gỗ đã qua chế biến như: Gỗ ép công nghiệp, vỏ bào hoặc gỗ có độ dày không quá 6mm.
- Đảm bảo diệt trừ các sinh vật gây hại
1.2 Giải thích thuật ngữ:
Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
- Dấu: Dấu hoặc nhãn chính thức được công nhận ở cấp quốc tế được áp dụng đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật để chứng nhận tình trạng KDTV của vật thể đó.
- Dịch hại KDTV: Loài dịch hại có nguy cơ gây hại nghiêm trọng tài nguyên thực vật trong một vùng mà ở đó loài sinh vật này chưa có mặt hoặc có mặt với phân bố hẹp và phải được kiểm soát chính thức.
- Gỗ: Một nhóm hàng hoá bằng gỗ tròn, gỗ xẻ, vỏ bào hoặc vật chèn lót bằng gỗ có hoặc không có vỏ.
- Gỗ không còn vỏ: Gỗ mà tất cả vỏ đã bị loại bỏ ngoại trừ lớp thượng tầng, phần vỏ chìm bao quanh các mắt cây và trong các hốc lõm giữa các vòng gỗ sinh trưởng.
- Gỗ thô: Gỗ chưa qua chế biến hoặc xử lý.
- Nguyên liệu gỗ chế biến: Sản phẩm tổng hợp của gỗ được làm ra bằng việc sử dụng keo dán, hơi nóng và áp suất hoặc bất cứ sự kết hợp nào kể trên.
- Vật liệu chèn lót: Vật liệu bao gói bằng gỗ dùng để bảo vệ hoặc chèn giữ hàng hoá nhưng không phải là hàng hoá.
- Vật liệu đóng gói bằng gỗ: Gỗ hoặc sản phẩm bằng gỗ (ngoại trừ các sản phẩm bằng giấy) được sử dụng để chèn giữ, bảo vệ hoặc vận chuyển hàng hoá (kể cả vật chèn lót).
- Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật: Gồm thực vật, sản phẩm thực vật, phương tiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển hoặc những vật thể khác có khả năng mang dịch hại thuộc diện điều chỉnh.
- Sinh vật gây hại: Là bất cứ loài, chủng hoặc dạng sinh học thực vật, động vật hoặc vi sinh vật nào gây hại cho thực vật hoặc sản phẩm thực vật, bao gồm: côn trùng, nấm bệnh, tuyến trùng, vi khuẩn, vi rút, phytophasma, cỏ dại, chuột và các sinh vật khác gây hại tài nguyên thực vật (dưới đây được gọi tắt là dịch hại).
- Khử trùng: Là việc tiêu diệt sinh vật gây hại vật thể một cách triệt để.
- Xông hơi khử trùng: Là biện pháp khử trùng bằng hoá chất xông hơi độc.
- Thuốc xông hơi khử trùng: Là những chất hoặc hợp chất hoá học có độc tính được sử dụng để diệt trừ sinh vật gây hại trên hàng hoá mà ở điều kiện nhiệt độ và áp suất không khí thông thường có thể tồn tại ở thể khí, có khả năng khuếch tán, xâm nhập vào hàng hoá cũng như giải phóng khỏi hàng hoá dễ dàng.
- Độ kín của xông hơi khử trùng: Là độ kín không cho hơi độc từ phạm vi khử trùng thoát ra bên ngoài.
- Phạm vi khử trùng: Là một không gian kín chứa những vật thể được khử trùng;
- Liều lượng: Là lượng thuốc khử trùng hoặc lượng hoạt chất hơi độc sử dụng cho 01 đơn vị trọng lượng vật thể khử trùng hoặc đơn vị thể tích của phạm vi khử trùng.
Đơn vị tính: gram thuốc thương phẩm hay hoạt chất/tấn hoặc gram thuốc thương phẩm hay hoạt chất/m3.
- Nồng độ: Là lượng hơi thuốc xác định tại một thời điểm ở một vị trí nhất định trong phạm vi khử trùng.
Đơn vị tính: g/m3 hoặc mg/l hoặc ppm hoặc phần trăm (%) theo thể tích.
ppm: lượng thuốc tính bằng đơn vị phần triệu (1/1.000.000)
- Chỉ số C.T: Là tích số của nồng độ hơi thuốc và thời gian ủ thuốc để tiêu diệt một loài sinh vật gây hại trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ nhất định.
- Thời gian ủ thuốc: Là thời gian tính từ khi hoàn thành việc cho thuốc vào trong phạm vi khử trùng đến khi bắt đầu thông thoáng.
- Dư lượng: Là lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật, dẫn xuất và các sản phẩm chuyển hoá của thuốc bảo vệ thực vật có độc tính còn lưu lại trong hàng hoá và môi trường sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
- Ngưỡng an toàn: Là nồng độ của hơi thuốc có trong không khí cho phép con người có thể tiếp xúc hàng ngày mà không bị ảnh hưởng có hại nào.
- Đội trưởng: Đội trưởng khử trùng
- Nhân viên: Nhân viên khử trùng
II. YÊU CẦU XỬ LÝ
2.1 Yêu cầu chung:
- Diệt trừ triệt để các sinh vật gây hại trên vật thể đuợc khử trùng.
- An toàn với người, vật nuôi và hàng hoá.
- Đảm bảo về vệ sinh môi trường, về an toàn lao động, về phòng chống cháy, nổ và địa điểm làm việc, kho chứa thiết bị, hoá chất theo quy định của pháp luật.
- Đáp ứng các quy định về kiểm dịch thực vật
2.2 Yêu cầu về vật tư trang thiết bị
- Bạt PVC: số tấm, kích cỡ
- Thuốc Methyl Bromide
- Ống dẫn thuốc.
- Ống đo nồng độ
- Thuốc tiếp xúc.
- Cây cát dằn chân bạt.
- Mặt nạ phòng độc phù hợp với thuốc Methyl Bromide sử dụng.
- Dụng cụ lấy mẫu và phân tích mẫu dịch hại
- Máy đo nồng độ thuốc.
- Máy kiểm tra rò rỉ
- Quạt đảo khí
- Dụng cụ để thông thoáng và dọn bả độc.
- Bơm xịt thuốc.
- Thang xếp.
- Găng tay.
- Giấy dán và hồ dán, băng keo
- Máy hút khí
- Biển báo cảnh giới (2 thứ tiếng Việt và Anh).
- Đèn pin
- Dụng cụ y tế sơ cứu.
- Dụng cụ bảo hộ lao động cho cán bộ và nhân viên khử trùng
- Vật tư phải đầy đủ về số lượng, tránh bị thiếu khi thực hiện và phải để nơi an toàn, tránh đổ vở và rơi.
- Chỉ sử dụng các thiết bị đo đã được hiệu chuẩn/ kiểm tra xác nhận để đảm bảo độ chính xác của các số liệu được đo
- Tuân thủ các qui định về xếp dỡ, vận chuyển, trong hướng dẫn sử dụng các thiết bị đo sao cho không làm mất độ chính xác hoặc làm hỏng thiết bị.
- Đối với các loại máy đo độ rò rĩ phải kiểm tra pin, đèn trước khi đưa ra hiện trường sử dụng.
- Các dự trù vật liệu , dụng cụ thiết bị phục vụ cho công tác khử trùng sẽ được ghi nhận vào giấy đề nghị xuất vật tư, được người có trách nhiệm xác nhận.
- Liều lượng thuốc sử dụng được áp dụng theo qui định khuyến cáo của kiểm dịch hoặc theo yêu cầu cũa khách hàng nhưng đảm bảo an toàn cho công tác khử trùng. Thông thường tối thiểu là 6g/m3.
2.3 Yêu cầu về kỹ thuật
- Đảm bảo đúng qui trình kỹ thuật theo qui định.
- Đúng chủng loại thuốc, liều lượng, nồng độ và thời gian ủ thuốc tham khảo phụ lục 2.
- Theo quyết định của cơ quan kiểm dịch thực vật khi xử lý vật thể bị nhiễm dịch hại thuộc diện điều chỉnh của Việt Nam hoặc sinh vật gây hại lạ.
2.4 Giấy tờ biểu mẫu thực hiện
- Thư yêu cầu khử trùng
- Biên bản khảo sát
- Nhật ký khử trùng
- Phiếu xuất kho
- Biên bản thông thoáng kiêm nghiệm thu
- Báo cáo kết thúc công việc và ra kết quả.
III. TRÌNH TỰ THỰC HIỆN
Khảo sát
a. Khảo sát lô hàng vật liệu, bao bì đóng gói bằng gỗ: Khi đi khảo sát chú ý các nội dung sau:
- Nguyên tắc khảo sát là: khảo sát từ xa tới gần từ ngoài vào trong, từ tổng quát tới chi tiết
- Khảo sát xung quanh: phạm vi bán kính từ 100 – 150m nếu có vật cản thì lấy vật cản làm giới hạn.
- Nội dung xem xét gồm có:
· Khu dân cư, các cơ quan, khu chăn nuôi, ao hồ, các công trình kiến trúc có chứa các thiết bị chính xác. Trang thiết bị trong khu vực xông hơi …
· Đặc điểm kiến trúc, loại gỗ, trọng lượng, kích thước vật liệu, bao bì đóng gói bằng gỗ.
· Có nguồn điện để vận hành máy.
· Sàn khử trùng phải phẳng, không có vết nứt, cống rảnh bên dưới
b. Khảo sát lô hàng:
Cần chú ý các nội dung sau:
- Đối chiếu hàng hóa khử trùng với danh mục hàng hóa bị ảnh hưởng bởi Methyl Bromide:
· Thực phẩm: Bơ, dầu, mỡ, muối iot được ổn định bằng Hyposulphite sodium, Bột đầu nành còn chất béo, bột lúa mì toàn phần, những loại bột chứa protein có hàm lượng cao khác, các loại đậu có hàm lượng dầu cao, một số loại cacbonat natri dùng làm bột nỗi, những hợp chất để trâu bò liếm như muối cục hay là những thực phẩm khác chứa hợp chất sufur, bột xương xay thô. Không được phép vượt quá liều lượng đã khuyến cáo như trên hoặc kéo dài thời gian ủ thuốc đối với những loại hàng hóa là thức ăn hoặc thực phẩm.
· Hàng hóa là da thuộc: Đặc biệt là da dê non hoặc những hàng hóa bằng da khác đã được thuộc bằng sulfur
· Len: Phải lưu ý hết sức khi khử trùng hàng len Angola. Một số tác dụng bất lợi đã được ghi nhận trên vớ len, áo len, khăn choàng len và sợi len.
· Tơ nhân tạo làm bằng sợi vitco: Những tơ nhân tạo được chế biến và sản xuất qua tiến trình xử lý bằng carbon bisulfide.
· Hóa chất phim ảnh (không phải là phim chụp ảnh và phim X quang).
· Giấy: giấy tráng bạc, một số loại giấy viết và giấy được lưu hóa bằng sulfide, ảnh in và những giấy sử dụng trong vẽ kỹ thuật, giấy carbon
· Hàng hóa bằng cao su: Cao su xốp, cao su mút như đệm thảm gối nệm chiếu, con dấu cao su hay những dạng giống như vậy bằng cao su tái sinh
· Nhựa vinyl
· Lông thú
· Lông vũ ( đặc biệt gối nhồi lông vũ )
· Đệm thảm ( cao su mút, nỉ,... )
· Than củi, xỉ than và than hoạt tính
· Đồ dùng bằng lông ngựa
· Tranh sơn dầu
· Sơn có thành phần là sulfur
· Cellophane
· Hộp đựng hoặc giấy gói bằng Polystyrene
Nếu hàng hóa không phù hợp thì khuyến cáo lại với khách hàng hoặc làm cam kết về trách nhiệm đối với hư hỏng của hàng hóa với chủ hàng. Nếu vẫn không đạt thì từ chối khử trùng.
- Loại hàng cần xông trùng, kích thước, thể tích lô hàng, số lượng lô hàng cần xông trùng trong kho
- Cách chất xếp, cách đóng gói và vật liêu đóng gói bằng gỗ.
- Vị trí lô hàng nơi khử trùng, mức độ vướng vật cản, lô hàng bên cạnh …
- Trang thiết bị trong khu vực xông hơi …
- Khảo sát tình hình dịch hại để kịp thời tư vấn thêm cho chủ hàng về liều lượng.
- Lấy mẫu đại diện của lô hàng cần khử trùng.
- Khảo sát nhà lô hàng phải xem xét và đánh giá được tình huống khó khăn thuận lợi của hiện trường, lịch sử thuốc của lô hàng, tính kháng thuốc của sâu mọt, đối tượng kiểm dịch, đặc biệt lưu ý tình huống an toàn lao động
c. Lập biên bản khảo sát
- Sau khi hoàn thành việc khảo sát, tiến hành lập biên bản khảo sát ghi nhận kết quả khảo sát về các mặt: thể tích hàng cần xông hơi của từng kho, diện tích phun vệ sinh, qui cách chất xếp, vật liệu đóng gói, tình trạng hàng hóa, vật tư, thiết bị trong khu vực khử trùng…theo biểu mẫu quy định.
- Đồng thời trao đổi chủ hàng hoặc kho để chuẩn bị, cung cấp như: cát để dằn chân bạt, các sửa đổi nhỏ lô hàng, vệ sinh xung quanh,…
- Biên bản phải được hai bên ký để thực hiện.
- Căn cứ vào biên bản khảo sát và các chứng từ khác để lập hợp đồng khử trùng.
3.1 Lập phương án xử lý:
a. Chuẩn bị nhân lực
Định số người tham gia khử trùng (kể cả cảnh giới) và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người.
b. Lên kế hoạch xông trùng chi tiết:
- Tính toán lượng thuốc sử dụng.
- Ngày làm, ngày đặt thuốc, xả hơi độc, nghiệm thu và hoàn thành
3.2 Trình tự các bước xử lý:
a) Kiểm tra và phổ biên kế hoach:
- Kiểm tra các dụng cụ thiết bị dùng cho khử trùng.
- Thông báo cho trưởng kho biết đội khử trùng tiến hành khử trùng theo yêu cầu. Yêu cầu mọi người không có trách nhiệm phải rời khỏi khu vực khử trùng khi khử trùng như : chuyển chỗ ở (nếu cần), thời gian cách ly ,…
- Phổ biến nhiệm vụ đã phân công cho từng người, hướng dẫn cách đặt thuốc và những điều cần chú ý để đảm bảo an toàn lao động, phòng độc cho người trực tiếp làm và môi trường xung quanh cho phù hợp với tình huống cụ thể.
- Xác định trình tự công việc làm trước sau …
- Dán biển báo để đảm bảo an toàn cho khu vực khử trùng
b) Đặt ống dẫn thuốc:
- Đặt ống kiểm tra nồng độ
- Đặt ống dẫn thuốc đặt theo nguyên tắc tập trung ở phần trên và giảm dần xuống gần chân lô hàng. Cách đặt ống bơm thuốc như sau: Đặt ống dẫn chính từ bình thuốc vào lô hàng và có thể dùng càng cua có nhánh để phân ống dẫn thuốc thành các nhánh khác nhau phân bổ tới vị trí khác nhau trong lô hàng (phải đặt ống dự phòng cho ống dẫn chính).
- Để tránh thuốc thoát ra hoặc rò rỉ làm dơ hàng hóa có thể đào hố đặt xô nhựa hoặc lót bao bì ở dưới ống dẫn thuốc nơi có lỗ thoát.
- Nếu cần đặt 3 ống dẫn từ lô hàng ra ngoài để kiểm tra nồng độ thuốc (ở trên mặt, ở giữa và chân lô hàng). Cần bịt kín đầu ống ở ngoài lô hàng, khi đo mới mở ra.
- Kiểm tra kỹ bình đựng khí Methyl Bromide vì áp suất khí lỏng rất cao, xem xét các khóa bình có hở, rỉ không để đề phòng sự cố
c) Làm kín:
- Làm kín lô hàng sau khi đặt ống dẫn thuốc bằng cách dùng bạt PVC chuyên dụng kích thước 20x30m phủ kín từ đỉnh xuống chân lô hàng.
- Dùng bạt PVC chùm kín lô hàng, cần để chừa 1 mét bạt ở chân lô hàng để chèn kín bằng rắn cát sau khi đặt ống dẫn thuốc. Nếu phải nối bạt thì cuộn 2 mép bạt 2 – 3 lần rồi kẹp chặt bằng kẹp sắt (kẹp cách nhau khoảng 1 mét). Kiểm tra toàn bộ bạt, nếu có rách, thủng dùng băng keo dán kín.
- Làm kín bằng cách kéo bạt phủ kín lô hàng, kiểm tra bạt nếu có chỗ rách thì dán kín. Dùng rắn cát chèn chặt chân bạt với nền bê tông.
d) Bơm thuốc
- Đội trưởng tập trung toàn đội kiểm tra việc làm kín và kiểm tra tổng quát lần cuối trước khi phát lệnh bơm thuốc .
- Nếu cần thì hút khí để tạo áp suất thấp trong không gian khử trùng giúp thuốc khuếch tán nhanh trong lô hàng.
- Cách bơm thuốc như sau:
· Hai người đeo mặt nạ phòng độc, đặt bình thuốc lên cân, mở nắp đậy, lắp đầu nối vào đầu thoát ra của bình và nối với ống dẫn thuốc vào lô hàng (dùng kềm vặn và dây cao su cuốn chặt). Một người vặn van cho thuốc ra và điều chỉnh lượng thuốc từ từ (lượng thuốc thoát ra khoảng 1,5 kg/phút). Một người quan sát cân để biết lượng thuốc đã sử dụng, khi lượng thuốc đạt yêu cầu thì khoá van lại. Tháo ống dẫn ra khỏi bình (dùng tay bịt kín rồi dùng băng keo dán kín đầu ống).
· Cử hai người mang mặt nạ phòng độc dùng máy đo rò để kiểm tra và xử lý nếu có rò rỉ .
- Kiểm tra sự an toàn của công tác khử trùngvà thu dọn vật tư.
e) Thêm thuốc :
Đo nồng độ thuốc tại thời điểm 2h, 4h và kết thúc khử trùng, nếu nồng độ thuốc thấp hơn nồng độ chuẩn trong bảng sau thì tiến hành bù thuốc để đảm bảo đạt tích số C.T tối thiểu sau khi kết thúc khử trùng.
- Do lượng thuốc bị thất thoát cao hơn nhanh hơn so với kỳ vọng, vì vậy cần phải bù lượng thuốc cao hơn mức tiêu chuẩn như một biện pháp để giảm rủi ro vào giai đoạn kết thúc khử trùng.
- Để tránh gây ô nhiễm môi trường, lượng thuốc bù thêm không được vượt quá mức tối đa (Max). Việc bù thuốc không phải nhằm mục đích sửa chữa những yếu kém trong bước làm kín, mà mục đích để bù lượng thuốc do bị hấp thụ bởi hàng hóa nhiều hơn mức độ kỳ vọng ban đầu.
- Bù thuốc theo công thức:
Lượng thuốc cần bù = số max tương ứng tại thời điểm đo – số đo thực tế
- Nếu bù thuốc ở giai đoạn kết thúc thì phải ủ thuốc thêm 4h để đảm bảo đạt được tích số C.T tối thiểu
3.3 Các bước giám sát xử lý:
a. Giám sát nội bộ: tất cả các quá trình thực hiện đều được giám sát chặt chẽ bởi người đứng đầu bộ phận khử trùng hoặc cán bộ kỹ thuật có chuyên môn được ủy quyền.
b. Giám sát của cơ quan kiểm dịch thực vật khi có yêu cầu giám sát
3.4 Kết thúc xử lý
a) Chuẩn bị vật tư, thiết bị, nhân lực để thông thoáng
Khi hết thời gian ủ thuốc phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, thiết bị, nhân lực để tiến hành thông thoáng như:
- Bảo hộ lao động: Mặt nạ phòng độc, mặt nạ có bình lọc, găng tay, khẩu trang, tuí đựng mẫu, dụng cụ y tế sơ cứu…
- Thiết bị đo nồng độ, thiết bị đo rò rỉ
- Máy hút khí, ống dẫn (nếu cần, giảm bớt thời gian thông thoáng và xả ra khu vực không có dân cư, người đang làm việc không có bảo hộ lao động).
- Bộ sơ cứu
b) Tiến hành thông thoáng
- Đội trưởng thông báo cho chủ hàng biết việc tiến hành xả hơi độc và nghiệm thu kết quả.
- Cảnh báo xung quanh về việc thông thoáng
- Nhân viên khử trùng đeo thiết bị bảo hộ sẵn sàng thông thoáng
- Nếu cần phun thuốc tiếp xúc lên lô hàng.
- Mở cửa và bật máy hút khí để thông thoáng. Chọn vị trí để mở thông gió, hướng xả khí độc về phía không có dân cư, gia súc và xuôi chiều gió, không để gió thổi hắt lại.
- Chờ trong ít nhất 15 phút, dùng thiết bị kiểm tra đo tồn dư thuốc sau khi thông thoáng, việc thông thoáng chỉ hoàn thành khi không còn Methyl Bromide trong khu vực khử trùng, hoặc ở mức độ cho phép (TLV ≤ 5ppm ).
- Kiểm tra nồng độ thuốc lần cuối để đảm bảo an toàn.
- Thu dọn vật tư, thiết bị mang theo, làm vệ sinh xung quanh khu vực khử trùng…
- Lưu ý phương án an toàn lao động, phòng độc khi tiếp cận với lô hàng vì khí Methyl Bromide nặng, ít khuyếch tán, không có mùi khó phát hiện và rất độc. Trước khi tiếp cận lô hàng phải có kiểm tra hơi độc trước.
- Trong trường hợp đối với lô hàng nhỏ ≤ 50m3, sau khi được thông thoáng xong chúng tôi tiến hành đưa vào kho cách ly chờ bàn giao cho khách hàng.
c) Đóng dấu khử trùng:
- Sau khi thông thoáng và an toàn về chỉ số ở mức độ cho phép (TLV ≤ 5ppm ). Nhân viên khử trùng khi nhận được dấu để đóng dấu khử trùng sẽ tiến hành thực hiện như sau:
+ Kiểm tra số lượng sản phẩm cần đóng dấu khử trùng
+ Tiến hành đóng dấu khử trùng khi nhận được kế hoạch
+ Quá trình đóng dấu phải đảm bảo:
Theo mã qui định được cấp phép là VN - 023
Phải rõ ràng, dễ đọc
Mực dấu có màu xanh lam, không bị ảnh hưởng bởi các điều kiện ngoại cảnh làm phai hoặc mờ đi.
Đóng dấu theo quy định tại những vị trí dễ quan sát, ít nhất ở hai mặt đối diện của kiện hàng.
d) Nghiệm thu
- Cùng thủ kho lấy mẫu hàng hoá trong cây hàng, kiểm tra kỹ các mép bao ở xung quanh và trong lô hàng… xem xét ảnh hưởng của thuốc tới hàng hoá, máy móc thiết bị trong không gian khử trùng và lập biên bản nghiệm thu có 2 bên xác nhận.
- Nên lấy mẫu lưu để phòng tranh chấp về sau.
- Thu dọn vật tư thiết bị, xác chuột …
e) Lập báo cáo công việc:
Toàn bộ quá trình thực hiện phải được ghi nhận vào biểu mẫu tương ứng
3.5 Lưu hồ sơ:
Tất cả các hồ sơ trong quá trình thực hiện phải lưu tại bộ phận lưu trữ:
- Đối với hồ sơ khử trùng hàng xuất – nhập khẩu phải lưu tối thiểu 5 năm.
- Đối với hồ sơ khử trùng nội địa phải lưu tối thiểu 3 năm.
IV. Phụ lục:
- Phụ lục 1: Biển báo cảnh giới
- Phụ lục 2: Tham khảo liều lượng thuốc khử trùng
- Phụ lục 4: Triệu chứng ngộ độc thuốc khử trùng
- Phụ lục 5: Ảnh hưởng của thuốc khử trùng đến hàng hóa
Phụ lục 6: Chuyển đổi đơn vị đo
HÌNH ẢNH SẢN PHẨM GỖ KHỬ TRÙNG